Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Chuyện riêng và chuyện chung nơi công sở - Human Resources Management

Chuyện riêng và chuyện chung nơi công sở

Van Brimmer, phóng viên của tờ Savannah Morning News đã phỏng vấn Alan Cavaiola, giáo sư Đại học Monmouth, đồng tác giả quyển sách Toxic Coworkers: How to Deal with Dysfunctional People on the Job (Đồng nghiệp độc hại: cách ứng xử với người rối loạn chức năng trong công việc) về nghiên cứu những việc riêng của nhân viên tác động đến công việc của họ.



Khảo sát thực hiện trên 567 nhân viên ở nhiều vị trí và ngành nghề khác nhau.

Những yếu tố nào từ đời sống cá nhân được thể hiện nhiều nhất ở nơi làm việc?

Từ những việc mới xảy ra đêm qua cho đến chuyện từ thơ ấu. Chúng tác động lên công việc của nhân viên, và công việc cũng tác động ngược lại lên cuộc sống riêng của nhân viên. Nếu chỉ nhấn mạnh tính chuyên nghiệp thì dễ làm mờ đi các góc nhìn về tình bạn, tình yêu, thú tiêu khiển và các quan tâm khác của cá nhân.

Những vấn đề cá nhân nào tiềm ẩn khả năng gây ra xung đột tại nơi làm việc?

Thường là chuyện tình cảm. Khi gặp rắc rối với người bạn đời hoặc người yêu, những cuộc chia tay hay sự thiếu chung thủy đã chiếm hết mọi năng lượng dẫn đến sự lơ đãng, giận dữ, thất vọng của con người khi vẫn phải đến nơi làm việc, và khó tránh được xung đột.

Nghiên cứu cho thấy nữ giới bộc lộ điều này nhiều hơn nam giới vì họ có xu hướng khó tách biệt các quan hệ cá nhân với các quan hệ trong công việc.

Có phải đôi khi sự phân biệt đối xử có thể củng cố các mối quan hệ ở nơi làm việc không?

Chắc chắn là vậy. Có những nhân viên luôn nhìn người sếp như hình ảnh người cha và làm việc mọi thứ để lấy lòng sếp. Sự thiếu phân biệt trong đối xử ấy có thể là một yếu tố tạo động lực cho họ. Còn đa số nhân viên lại nghĩ là mẫu nhân viên tốt là những ai thể hiện sự sáng tạo trong công việc. Khi phải quá phụ thuộc vào một mối quan hệ với cấp trên hoặc đồng nghiệp đôi lúc sẽ bị mất phương hướng nếu cấp trên hoặc đồng nghiệp thăng chức hoặc được điều chuyển đi nơi khác.

Người quản lý nên ứng xử ra sao với việc phân biệt đối xử sẽ dẫn tới sự không hài lòng và xung đột?

Cách tiếp cận tốt nhất là làm việc với từng cá nhân. Người quản lý nhận diện những gì cần có để nhân viên đó cảm thấy hài lòng và không nên né tránh họ. Phải biết đối diện và dò tìm cho ra nhu cầu của nhân viên ấy trước khi vấn đề của nhân viên ấy ảnh hưởng lên người khác.

Những tác động tiềm ẩn nào có thể có từ các nhân viên bất mãn đối với một tổ chức?

Hụt năng suất là thường thấy nhất, và không chỉ ở nhân viên đang bất mãn với công việc. Những ai thể hiện hoặc phát biểu tiêu cực về công ty sẽ làm hủy hoại tinh thần ở nơi họ làm việc.

Làm sao để cấp quản lý và nhà quản lý nhân sự nhận ra những dấu hiệu rõ ràng là đang có phân biệt đối xử?

Khi phỏng vấn, có thể nhận ra cách họ làm việc với những người khác. Kỹ năng và năng lực là quan trọng, nhưng cách làm việc với người khác và cách vượt qua nghịch cảnh ở nơi làm việc cũng quan trọng không kém. Hãy đặt họ vào vài tình huống giả định qua câu hỏi như: “Bạn sẽ làm gì nếu bạn không thuận với sếp?”, “Bạn xử sự ra sao với những thay đổi vào phút chót của một dự án?”.

Nghiên cứu cho thấy “người rất hiệu quả” thường thể hiện sự không hài lòng, do họ gắn bó quá mật thiết với công việc. Làm sao để cân bằng điều này?

Hãy dò tìm những động lực của những con người ấy. Có người chờ được thăng tiến; có người muốn làm việc tự chủ hơn; còn có những người lại muốn được tham gia nhiều hơn nữa. Hãy nhận ra điều nhân viên đang chờ đợi, đừng ngại nói với họ là họ đã làm việc cật lực và giờ đây bạn muốn họ lấy lại sự tươi tắn bằng cách nghỉ ngơi đôi ngày. Nghiên cứu cho thấy với người nghiện công việc thì càng làm việc kéo dài hiệu quả sẽ càng giảm. Người quản lý năng động cần nhìn ra những điều ấy để giúp tái lập cân bằng.

Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn  

Đừng nghĩ ứng viên gật đầu là quá trình tuyển dụng chấm dứt!

Thời điểm ứng viên "gật đầu" với lời mời về công ty làm việc của bạn là lúc bạn đang gặp phải nguy cơ mất họ lớn nhất.



Dưới đây là bài chia sẻ của doanh nhân Mark Suster về một sai lầm tai hại mà nhiều nhà tuyển dụng mắc phải.

Tuyển dụng luôn là mối đe doạ lớn đối với sự tồn tại của các công ty mới khởi nghiệp. Lý do là bởi quá trình này không chỉ tốn nhiều thời gian mà doanh nghiệp còn phải cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm và thu hút được nhân tài. Thêm nữa, quá trình này dường như không làm tăng hiệu quả phát triển về sản phẩm, kỹ thật, bán hàng, tiếp thị, huy động vốn của công ty. Nó tiêu tốn thời gian, năng lượng và cả tiền bạc.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một đội ngũ nhân viên tuyệt vời sẽ xây dựng nên một công ty tuyệt vời. Và một nhà lãnh đạo công ty khởi nghiệp vĩ đại luôn biết rằng dù tốn kém, mất thời gian tới đâu họ cũng vẫn phải đầu tư cho quá trình tuyển dụng.

Tuy vậy, hầu hết các công ty tuyển dụng mà tôi biết đều mắc phải một sai lầm nghiêm trọng: Họ cho rằng quá trình tuyển dụng sẽ kết thúc khi ứng viên chấp nhận lời đề nghị về làm việc tại công ty. Sự thật là quá trình này chưa thể dừng lại cho đến khi ứng viên đó chính thức bắt đầu với công ty, cập nhập hồ sơ của anh ấy (cô ấy) trên LinkedIn và thông báo tới tất cả bạn bè của họ.

Thực tế có nhiều trường hợp tệ hơn nữa. Thời điểm nhân viên sales hoặc marketing tương lai của bạn “gật đầu” là thời khắc bạn dễ dàng để mất họ nhất. Tôi đã từng đề cập cụ thể tới vấn đề này trước đây với bài viết nhan đề “Thời điểm dễ bị mất mát nhất là khi bạn chiến thắng một thoả thuận” và điều này đúng với cả quá trình tuyển dụng.

Tuyển dụng là một trận chiến và kẻ thù (các đối thủ cũng săn lùng nhân tài) không dễ dàng chấp nhận thất bại. Chính vì thế, đừng chỉ dành 90% sức lực cho trận chiến này. Bạn nhất định phải chiến thắng.

Dưới đây là những gì cụ thể sẽ xảy ra:

Nhân viên sẽ đưa ra lời cam kết bằng miệng với bạn, một email chấp nhận hoặc trong một vài trường hợp họ ký vào thư mời làm việc. Sau đó, bạn ăn mừng cùng với nhóm của mình bởi sau tất cả những cố gắng, nỗ lực thuyết phục thì cuối cùng một "ngôi sao" mà bạn vẫn mong đợi đã chấp nhận và gia nhập nhóm để giải quyết vấn đề bạn đang cần.

Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ đến việc, nếu họ giỏi như vậy chắc chắn sếp cũ của người này sẽ tìm cách để giữ chân họ lại. Trong trường hợp nhân viên đó chủ động nghỉ việc và báo cho sếp cũ thì cũng là thời điểm công ty đó đang tìm cách giữ chân nhân viên.

Bên cạnh đó, nếu ai đó biết rằng nhân viên xuất sắc này chuẩn bị rời khỏi chỗ làm cũ và tìm kiếm một công ty phù hợp hơn và khi người này từ chối lời mời công việc từ những công ty khác, họ cũng sẽ bắt đầu tìm cách thuyết phục nhân viên đó về phía họ.

Thật ngạc nhiên phải không, giây phút "thăng hoa", ăn mừng chiến thắng của bạn lại chính là khoảnh khắc bạn trở nên yếu nhất!

Vậy bạn cần làm gì?

1. Hãy nhớ rằng quy trình tuyển dụng không dừng lại cho đến khi nhân viên mới chính thức gia nhập công ty của bạn.

2. Thời khắc họ đồng ý làm việc với bạn, bạn cần liên lạc với những nhân sự chủ chốt, thông báo cho họ biết hoặc sắp xếp một bữa tiệc để chào đón họ tới công ty. Mục đích của việc này là tạo một mối quan hệ thân thiết ban đầu giữa nhân viên mới và công ty.

3. Bạn cần phải tự nhủ: Tôi muốn tạo một sự gắn kết hơn nữa với nhân viên mới bằng cách công bố thông tin rộng rãi nếu có thể. Tôi muốn đảm bảo rằng nhân viên đó đồng ý để tôi làm vậy. Một mặt, việc này thể hiện lòng tự hào khi công ty có được nhân viên và mặt khác giảm thiểu việc họ sẽ rời khỏi công ty.

4. Bạn cũng có thể đưa cho nhân viên mới một số tài liệu để họ mang về nhà xem xét. Người đó sẽ cảm thấy một mối quan hệ bền chặt hơn với công ty, thậm chí hứng khởi hơn với nhiệm vụ mới và một mối quan hệ thân tình mạnh mẽ để họ không nghĩ lại lựa chọn của mình.

5. Cuối cùng, nếu có thể bạn cần sự liên đới giữa những nhà đầu tư vào công ty nếu vị trí nhân viên mới tuyển vào thuộc hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Hãy bố trí những cuộc gọi của các phó chủ tịch để chào mừng họ đến với công ty. Càng nhiều người nhân viên mới có thể nói chuyện cùng sẽ càng tăng mối thân tình của họ với công ty.

Kết luận:

Tuyển dụng là một công việc "khó nhằn". Bạn không chỉ phải đặt hết tâm trí vào quá trình này mà còn phải để mắt tới những nhân viên xuất sắc trong chặng đường cuối cùng của tuyển dụng, nó thật sự tốn rất nhiều công sức. Ngoài ra, bạn cần phải bố trí một buổi tiệc chào mừng để giữ chân những nhân viên mới đồng thời lên kế hoạch truyền thông ra bên ngoài để chắc chắn họ sẽ tham gia vào công ty.

Kể cả khi ứng viên đã "gật đầu", bạn cũng không nên dừng lại.

Theo Infonet  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét