Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Tự lãnh đạo bản thân – Đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo.

Tự lãnh đạo bản thân – Đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo.

Theo TS.Tâm Việt: "Thế giới ngày càng phát triển. Một điều kỳ lạ là càng phát triển lại càng bất ổn. Khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn. Lãnh đạo thực sự ngày càng thiếu hụt ở mọi tổ chức, dù đó là đạo giáo hay đảng phái, dù đó là kinh doanh hay thể thao… Khắp nơi trên thế giới người ta càng ngày càng ít tin vào giới lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo chỉ lo "lãnh đạo” bắt bẻ người khác mà bỏ qua chính mình không một chút băn khoăn. Tự lãnh đạo bản thân là đỉnh cao của lãnh đạo, cũng là cái gốc, nền tảng để vươn tới tầm cao. Gốc không có làm sao đạt tới đỉnh. Gốc của lãnh đạo là hiền tài mới hái tiền, sung sướng là phụng sự rồi mới hưởng thụ”

Chuyện kể rằng, một bà mẹ dẫn cậu con trai của mình, cậu bé mắc chứng ăn đường vô độ, đến gặp thánh Gandhi và thỉnh cầu ngài giúp khuyên cậu bé để cậu bé không ăn đường nữa. Thánh Gandhi cười và nói với bà mẹ rằng: "Hai tuần sau bà dẫn cháu đến gặp lại tôi”. Nghe lời Ganhdi bà mẹ dẫn cậu bé về và hai tuần sau quay lại. Lần này, Ganhdi chân thành "Xin lỗi bà tôi vẫn chưa thể giúp cháu được, một tuần sau bà dẫn cháu đến gặp tôi”. Bà mẹ lại dẫn con về và một tuần sau lại mang con đến gặp Ganhdi. Thật kỳ lạ, Gandhi chỉ gặp cậu bé trong vòng năm phút mà sau đó cậu bé giảm hẳn ăn đường. Ít lâu sau, gặp lại Ghandi bà mẹ chân thành cám ơn và không khỏi tò mò hỏi thánh Gandhi: "Vì sao chỉ mất có năm phút khuyên nhủ cháu mà ngài bắt mẹ con tôi phải chờ ba tuần liền và mất công đi lại thêm hai lần như vậy?”. Gandhi nhìn bà mẹ cười thành thật: "Trước khi gặp mẹ con bà tôi cũng là người ăn đường rất nhiều”.

Chính vì trước đây Gandhi cũng là người ăn đường rất nhiều nên ông cần tự lãnh đạo mình, chữa mình trước, rồi mới khuyên cậu bé. Đó cũng là lý do vì sao phải mất ba tuần sau Gandhi mới gặp cậu bé. Ông cha ta có câu "Tu thân –Tề gia – Trị Quốc – Bình thiên hạ”. Nhà lãnh đạo tài ba Gandhi luôn thấm nhuần "Muốn lãnh đạo được người khác trước tiên phải lãnh đạo chính mình một cách chuẩn xác”. Lãnh đạo là tạo gương. Tự lãnh đạo bản thân – Đỉnh cao của lãnh đạo.

Một trong các khác biệt cơ bản nhất giữa lãnh đạo và quản lý là lãnh đạo tập trung vào thay đổi, cải cách, quản lý tập trung vào duy trì ổn định. Thế kỷ 21, biến đổi khí hậu mãnh liệt hơn, khủng hoảng liên tục hơn, trầm trọng hơn, vai trò lãnh đạo càng ngày càng chiếm ưu thế. Làm chủ nghệ thuật lãnh đạo càng cấp bách hơn bao giờ hết. Cũng vì lẽ đó, người lãnh đạo càng cần tự lãnh đạo tự đổi mới mình trước khi lãnh đạo và đổi mới người khác. Không thể lãnh đạo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó”, "nói một đường làm một nẻo”. Người lãnh đạo thực sự không phải là người để quần chúng phải cảnh giác và nhắc nhở lẫn nhau "đừng nghe lãnh đạo nói hãy xem lãnh đạo làm”. Một trong những phẩm chất quan trọng của lãnh đạo là trung thực. Đỉnh cao của trung thực là trung thực với chính mình. Một hành động đẹp đè bẹp triệu lời bàn suông. Sức mạnh thực thụ của lời nói là sức mạnh của lời nói được bảo đảm bằng việc làm, bằng tấm gương tự thân.

Ở cảng nọ, sau trận cuồng phong, chỉ còn một con tàu quay về cảng. Các nhà báo đến phỏng vấn vị thuyền trưởng tại sao các tàu khác bị lật đắm mà tàu của ông vẫn an toàn trở về. Thuyền trưởng khẽ khàng: "Tôi luôn lái tàu lao thẳng vào tâm bão”. Người lãnh đạo cũng như thuyền trường của một con thuyền, khi đối mặt với bão tố họ chính là người ảnh hưởng đến sống chết của tất cả những thành viên khác.

Thuyền trưởng – lãnh đạo cao nhất của con tàu trong bão dông, đã thấm nhuần rằng cách duy nhất để sống còn là lao vào tâm bão. Lãnh đạo luôn hiện diện và đối đầu với khó khăn với sóng gió, chèo chống để bảo đảm an toàn cho người và của. Đối mặt, không né tránh, không bỏ chạy. Né tránh thì chỉ có nước chết. Biết vậy nhưng bao thuyền trưởng khác không đủ dũng cảm để lao vào tâm bão và họ đã mãi mãi vùi xương nơi đáy biển.

Chuyện xưa cũng kể rằng, loài quỷ nắm giữ một báu vật và không muốn cho loài người có được nó. Chúng bàn nhau tìm cách cất dấu thật kỹ báu vật đó đi. Chúng định dấu lên núi cao, nhưng không được vì loài người luôn háo hức chinh phục đỉnh cao. Định dấu xuống đáy biển nhưng chúng biết loài người sẽ khoan sâu dưới đáy biển nhiều cây số. Định dấu lên cung trăng nhưng chúng biết rằng loài người sẽ chinh phục được tận sao Hỏa sao Kim. Cuối cùng chúng đã dấu báu vật nơi mà con người không bao giờ ngó đến, thật bất ngờ đó chính là trong trái tim của họ. Và quả vậy, đến tận bây giờ con người vẫn lao đi tìm hạnh phúc ở những nơi xa xôi khác mà bỏ qua trái tim mình không thương tiếc.

Ngày nảy ngày nay, chuyện kể rằng, loài quỉ giờ đây còn ác độc hơn, chúng cấy vào trái tim con người một loại virus lây nhiễm rất nhanh. Đấy là virus "tham lam”. Ác độc hơn chúng cấy loại virus cực mạnh là "tham, sân, si” vào trái tim các nhà lãnh đạo.

Quỉ ngày nay khác hẳn quỉ ngày xưa. Chỉ con người là vẫn vậy, vẫn tham lam chinh phục chiếm đoạt những thứ bên ngoài mình. Họ càng lệch hướng càng thêm nguy hiểm. Tâm bão nằm trong chính trái tim của mỗi người, tâm bão thời đại nằm trong trái tim các nhà lãnh đạo. Nếu lãnh đạo – thuyền trưởng cuộc đời mải miết lao ra bên ngoài mà né tránh tâm bão ngay trong trái tim mình, không thành thực với trái tim mình, không lao vào tâm bão – con tim thì chỉ có nước tan thây. Họ cần biết rằng, nơi bình yên nhất là tâm của cơn bão, tưởng xa nhưng hóa ra lại rất gần. Bão thiên nhiên thì ít, ngắn ngày, còn dự báo được. Bão cuộc đời thì nhiều vô kể, luôn bất ngờ, dai dẳng. Dông bão cuộc đời có thể ập xuống từ bất cứ nơi đâu, từ kẻ thù và bất ngờ hơn cả là từ những người thân yêu nhất. Bất ngờ khó chống đỡ hơn cả là sóng thần nổi lên từ tâm quả đất, từ dưới đại dương. Ít nhà lãnh đạo chống đỡ nổi sóng thần "tham, sân, si” từ sâu thẳm tâm can của chính bản thân họ.

Ai cũng yêu tự do. Suốt đời chúng ta đấu tranh vì tự do. Ai cũng thuộc lòng "không có gì quý hơn độc lập tự do”. Các nhà lãnh đạo phấn đấu vươn lên để được tự do nhất. Thật là ngược đời, rất nhiều nhà lãnh đạo không những không có tự do mà càng lên chức lại càng ngập sâu vào gông cùm vật chất. Thế mà chúng ta cứ tự nguyện cùm mình vào nhà cửa, tự nguyện gông vào xe cộ, tự mình chui vào gọng kìm chức tước… Khốn nạn hơn, cái cùm, cái gông ấy lại càng ngày càng to hơn. "Cả thèm chóng chán”. "Được voi đòi tiên”. Tham, sân, si không tự mất đi mà càng ngày càng lớn dần và chỉ khi bị gông cùm nhà cửa, chức tước biến thành còng số 8 sau cửa nhà lao chúng ta mới ước gì đổi tất cả lấy hai chữ "tự do”.

"Trời ơi biết đến khi mô?
Thân ta mới lại từ trong tới ngoài.
Thơm như hương nhụy hoa nhài,
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.”

"Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Người cần lãnh đạo nhất là chính mình. Người không vì mình thì trời tru đất diệt. Ta hãy đối mặt với chính mình, hãy bắt đầu từ chính mình. Hãy thay đổi từ sâu thẳm tâm ta. Đừng để cho vật chất cản bước tự do, cản bước tiến lên về tầm vóc, về trí tuệ, về tinh thần của những người lãnh đạo. Hãy dừng lại và tự hỏi "ta còn thiếu gì không, kiếm chác thêm có để làm gì không! Có thực sự ta muốn kiếm chác hay đấy chỉ là một thói quen hoành hành ta? Ta là người lãnh đạo hay là một kẻ nô lệ của thói quen?”. Ta đã có thừa vật chất để sống nhiều đời rồi, tham thêm cũng có dùng được đâu. "Hổ chết để da, người ta chết để danh”. "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Nếu vào nhà đá liệu vật chất còn có ý nghĩa gì? Hãy thay đổi từ thực thụ từ trong ra ngoài. Ta hãy vươn tới đỉnh cao của lãnh đạo – Tự lãnh đạo.

Rõ ràng "lãnh đạo là nhiệm vụ chứ không phải chức vụ”, "lãnh đạo là chức năng chứ không là công cụ kiếm ăn”. Lãnh đạo làm việc với con người, chứ không phải quản lý đầu việc. Người lãnh đạo chỉ sung sướng thực thụ và bền vững trong quá trình dấn thân phụng sự chứ không phải là thời điểm ngồi đếm của. Hãy học Đức Phật, rời bỏ tất cả vật chất vướng víu đời thường, ngày ngày chỉ khất thực và giảng đạo, phụng sự hết mình. Chính như vậy, Đức Phật mới đạt tới đỉnh cao của lãnh đạo, để lại tiếng thơm muôn đời, luôn là tấm gương để muôn người noi theo.
Sưu Tầm Internet

Doanh nghiệp, nhà quản trị nghĩ gì về nguồn nhân lực

Tiếp cận nguồn nhân lực
Tiếp cận theo hướng chiến lược là phương thức quản trị hiên đại, phù hợp với môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và khi các công ty hoạt động trong môi trường kd bất ổn

   Trong các cách để tạo ra năng lực cạnh tranh của công ty , thì lợi thế thông qua con người được xem là yếu tố căn bản. Nguồn nhân lực đóng góp cho sự thành công của công ty trên các khía cạnh chất lượng cao, dịch vụ tốt, khả năng đổi mới, kỹ năng trong công việc cụ thể, và năng suất của đội ngũ nhân viên. Đây là những yếu tố then chốt mang lại sự thành công của các tổ chức
Năng lực thông qua yếu tố con người thường mang tính bền vững vì nó không thể xác lập trong một thời gian ngắn. Nó liên quan đến văn hóa của tổ chức.    Đây chính là các chuẩn mực bất thành văn, trở thành nếp sống và ứng xử giữa các thành viên trong tổ chức
Văn hóa còn đề cập đến các giá trị mà những người nhân viên trong công ty đề cao, suy tôn và cả cách thức mà họ chia sẻ thông tin cho nhau trong tổ chưc. Muốn cải thiện nguồn nhân lực thì trước hết phải cải thiện môi trường văn hóa công ty, và điều này không phải dễ và mất nhiều thời gian và khá tốn kém
   Một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là kỹ năng lao động và làm việc của nhân lực nước ta dù đã qua   đào tạo   nghề và tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng vẫn phải đào tạo lại khi được nhận vào các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp hoặc các liên doanh, các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài.
   Từ thực trạng nêu trên, vấn đề bức thiết đặt ra là sớm cải thiện nguồn nhân lực để góp phần nâng cao năng lực cnahj tranh của nền kinh tế. Bởi lẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có liên quan hầu hết các đối tượng quan trọng của quốc gia như các nhà hoạch định các chủ trương, chính sách, cán bộ, công chức, đội ngũ doanh nhân và những người lao động trong tất cả các lĩnh vực của xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.

Doanh nghiệp cần loại nhân tài nào?

   Trong qua trình phát triển, doanh nghiệp nào cũng sẽ cần 4 loại nhân tài sau:
   1. Có năng lực nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi, cải tiến, phát minh, đề xuất các ý tưởng mới…..
   2. Có kỹ năng quản lý
   3. Có tay nghề, kỹ năng thực thi công việc chuyên môn, kế hoạch sản xuất
   4. Có đồng thời cả 2 hoặc 3 điểm trên
Doanh nghiệp   tìm kiếm   nhân tài ở đâu?
   Có 2 nguồn cung cấp nhân tài từ bên trong và từ bên ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên với tư duy “ăn xổi ở thì”, các doanh nghiệp Việt Nam thường tuyển mộ từ bên ngoài những ứng viên đã chứng tỏ được giá trị của mình. Cách tiếp cận này cho phép có ngay được người cần tuyển lại không mất thời gian và chi phí đào tạo, tuy nhiên việc   tuyển dụng   từ bên ngoài cũng đi kèm với không ít rủi ro.
   Tìm kiếm nhân tài từ nội bộ doanh nghiệp cho phép hạn chế việc tuyển nhầm, không gây xáo trộn văn hóa doanh nghiệp , làm nhân viên gắn bó với doanh nghiệp hơn……Tuy nhiên, việc này đòi hỏi thời gian và doanh nghiệp phải biết phát hiện bồi dưỡng, đào tạo, đánh giá, sử dụng và giữ chân người tài để họ phát huy các thế mạnh của mình.

Kỷ yếu Ngày   nhân sự   Việt Nam
Văn Đức Mười
Tổng giám đốc Vissan

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Phải làm sao khi là nhân viên của một lãnh đạo kém? - Hr views

Phải làm sao khi là nhân viên của một lãnh đạo kém?

Thực tế trong bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào, bạn càng lãnh đạo giỏi, sẽ càng dễ phải trở thành cấp dưới của một lãnh đạo kém hơn mình.



Khi gặp phải tình huống này, các lãnh đạo giỏi thường sẽ hỏi bản thân hai câu hỏi: Phải làm gì khi phải đi theo một lãnh đạo tồi? Làm thế nào để gia tăng giá trị?

Thật ra không dễ dàng khi làm cấp dưới một lãnh đạo kém, nhưng bạn vẫn có thể tồn tại và thậm chí còn phát triển tốt. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn thích nghi hơn khi rơi vào hoàn cảnh không mấy thoải mái này:

1. Thắt chặt quan hệ với cấp trên

Phản ứng đầu tiên khi làm việc cho một lãnh đạo kém thường là rời bỏ hoặc thiết lập rào cản quan hệ với họ. Hãy cưỡng lại thôi thúc đó. Thay vì biến cấp trên thành kẻ thù rồi tạo ra một tình huống bất lợi cho cả hai, bạn cần “bắc cầu” quan hệ. Cố gắng tìm hiểu cấp trên, tìm ra điểm chung, xây dựng mối quan hệ công việc vững chắc. Trong quá trình đó, tái khẳng định sự tận tâm của bạn với nhiệm vụ của tổ chức. Làm những việc đó sẽ đưa bạn vào cùng nhóm với lãnh đạo của mình.

2. Nhận ra và đánh giá cao ưu điểm của cấp trên

Mọi người, kể cả lãnh đạo kém, đều có ưu điểm. Có thể điều đó không dễ dàng hoặc bạn không đánh giá cao hay ngưỡng mộ ưu điểm của lãnh đạo. Điều đó không thành vấn đề. Hãy tìm ra ưu điểm của lãnh đạo và biến chúng thành vốn quý của tổ chức.

3. Làm việc tận tụy để gia tăng giá trị cho ưu điểm của cấp trên

Đường mòn đến thành công là tận dụng tối đa ưu điểm của bạn. Điều này cũng đúng với cấp trên của bạn. Khi bạn biết được ưu điểm của cấp trên và cách biến chúng thành vốn quý của tổ chức, hãy tìm cách phát huy những ưu điểm đó.

4. Xin phép lập kế hoạch bổ khuyết các nhược điểm của cấp trên

Bên cạnh việc phát huy ưu điểm, một trong những bí quyết để thành công là “phân bổ” các nhược điểm. Là lãnh đạo bạn cần sáng suốt trao quyền cho một số cấp dưới để lấp đầy khoảng trống tài năng của bạn. Ví dụ, nếu bạn không giỏi đi sâu vào chi tiết, hãy tuyển ai đó giỏi về mặt này và hợp tác chặt chẽ với họ.

Bạn có áp dụng việc lấp đầy khoảng trống với cấp trên của mình. Tuy nhiên, phải rất thận trọng khi tiếp cận đối tượng. Đừng đưa ý kiến của mình về nhược điểm của họ nếu họ không hỏi, và ngay cả khi được hỏi, bạn cũng phải cân nhắc. Nếu cấp trên cho bạn biết một nhược điểm của họ, hãy hỏi xem họ có muốn bạn phụ trách mảng đó không. Hãy làm những việc cấp trên không làm được để họ có thể tập trung làm những việc họ giỏi nhất.

5. Để cấp trên tiếp cận với những tài liệu hướng dẫn lãnh đạo

Nếu bạn đang trau dồi kỹ năng lãnh đạo, bạn hẳn phải có nhiều tài liệu về nghệ thuật lãnh đạo như sách, CD, DVD. Hãy chia sẻ chúng với cấp trên. Một lần nữa, cách bạn tiếp cận vấn đề rất quan trọng. Thay vì nói: “Đây, ông cần cái này!” hãy nói: “Tôi vừa đọc xong cuốn sách này, tôi nghĩ ông cũng sẽ thích.”.

Hoặc tìm cách vào đề thật hấp dẫn chẳng hạn: “Tôi đang đọc một cuốn sách rất hay. Nó làm tôi nghĩ tới ông; tác giả và ông có nhiều điểm rất giống nhau. Tôi nghĩ ông sẽ thích nó.” Và tặng cho ông ta một cuốn. Nếu lãnh đạo vui vẻ đón nhận tài liệu đó, bạn có thể áp dụng với những người khác.

6. Công khai khẳng định cấp trên

Một số người sợ rằng nếu họ nói tốt về một cấp trên tồi, họ sẽ làm người khác tưởng lầm hay sẽ nghĩ óc suy xét của họ thật kém cỏi. Nhưng những người khác đều biết điểm hạn chế của vị lãnh đạo đó. Chỉ cần bạn nhận xét đúng sự thật và tập trung vào ưu điểm của lãnh đạo bạn sẽ không bị mang tiếng. Không những thế, bạn còn được mọi người kính trọng. Nhận xét của bạn về cấp trên sẽ giúp ông ta gia tăng sự tin tưởng, không chỉ tin tưởng bản thân, mà còn tin tưởng bạn.

Nếu bạn có tầm nhìn xa bạn sẽ thấy việc gia tăng giá trị cho cấp trên và tổ chức là việc gần như không có khía cạnh bất lợi. Nhưng nếu việc này vẫn không giúp bạn thoát khỏi trạng thái chán nản thì có lẽ đã đến lúc thay đổi công việc.

Theo Tri Thức Trẻ

Đau đầu để đánh giá đúng nhân viên

Người đứng đầu doanh nghiệp dù có xuất sắc đến đâu nhưng nếu không có những đồng sự giỏi sẽ khó mà thực hiện được các chiến lược, chiến thuật để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp. Đánh giá đúng   nhân sự   sẽ giúp Lãnh đạo đặt cấp dưới vào đúng vị trí, giao việc đúng với khả năng. Ngược lại, khi cấp dưới được cấp trên đánh giá đúng năng lực, đó là cách động viên họ tốt nhất.

Nếu so sánh giữa tất cả các kỹ năng quản lý thì có lẽ kỹ năng đánh giá nhân viên là khó nhất. Tuy nhiên, đây lại là công việc rất quan trọng trong công tác   quản trị nhân sự   .

Cần có tiêu chí đánh giá rõ ràng

Cho dù áp dụng bất cứ phương pháp đánh giá nào, nhà Quản lý cũng nên có các tiêu chí đánh giá nhân viên. Các tiêu chí này cần rõ ràng và quan trọng nhất là phải đo lường được, tránh đưa ra các tiêu chí “chung chung” dẫn tới sự hiểu lầm của cấp dưới.
Tiêu chí đánh giá phải gắn liền với nhiệm vụ được giao thực hiện và mục tiêu mà tổ chức mong muốn đạt tới. Các tiêu chí phải được đưa ra từ đầu kỳ đánh giá để nhân viên hiểu các yêu cầu và sự mong đợi của người quản lý đối với mình.
Nhà quản lý không nên thay đổi các yêu cầu của mình đối với nhân viên khi bắt đầu tiến hành đánh giá vì khi đó nhân viên sẽ không có cơ hội để điều chỉnh bản thân. Tuy vậy, để tạo sự “mới mẻ” và “thách thức” cho nhân viên, nhà quản lý đôi lúc cũng cần điều chỉnh tiêu chí đánh giá và phải thông báo từ sớm cho nhân viên biết.
Nội dung của các thay đổi này có thể nhắm tới mục đích khắc phục các điểm yếu của tổ chức. Chẳng hạn như doanh số bán hàng, độ lớn của thị trường đối với nhân viên tiếp thị, kinh doanh; hoặc số thư khen, những lời phàn nàn từ khách hàng để đánh giá đối với nhân viên cung ứng dịch vụ...

Khoảng cách giữa nhận xét của cấp trên với ý kiến cấp dưới

Rất thường xảy ra sự khác biệt giữa đánh giá của cấp trên về cấp dưới so với kết quả tự nhận xét của cấp dưới về bản thân. Khoảng cách này nếu không được xóa bỏ sẽ là rào cản lớn trong việc đánh giá nhân viên, đôi khi gây ra sự bất mãn dẫn tới việc nhân viên rời bỏ tổ chức vì cho rằng “sếp không hiểu mình”.
Để khắc phục trở ngại này, nhà quản lý phải dành thời gian theo dõi hoạt động của nhân viên dưới quyền. Một khi đã nắm vững các việc nhân viên đã làm tốt và cả những việc chưa tốt, nhà quản lý sẽ có những đánh giá khiến nhân viên “tâm phục khẩu phục”.
Tuy nhiên, đối với các sai sót của nhân viên, nhà quản lý nên nhắc nhở ngay khi phát hiện để nhân viên nhận thấy và tránh các sai sót tương tự tiếp diễn. Đừng làm nhân viên ngạc nhiên khi họ bất ngờ nhận được “một giỏ” nhận xét về các sai sót đúng vào lúc cấp trên đánh giá.
Nhà quản lý phải cho nhân viên hiểu rằng để rèn luyện được bản thân là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực bền vững. Nó được ví như việc leo lên tòa nhà cao, chúng ta phải đi qua nhiều bậc thang chứ không thể nhảy trực tiếp từ tầng này lên tầng khác.

Kéo lên hay thả xuống?

Đến đây thì một câu hỏi khác được đặt ra: nhà quản lý phải làm gì khi nhân viên chỉ hoàn thành gần hết các chỉ tiêu đã đặt ra?
Hãy thử tưởng tượng hình ảnh cấp trên là người đứng trên đỉnh dốc còn cấp dưới là người đang gắng sức leo dốc, nhưng khi chỉ còn một bước nữa tới đỉnh dốc thì đã kiệt sức. Trong tình huống đó, nhà quản lý sẽ có hai lựa chọn:

Phương án thứ nhất là để nhân viên rơi tự do xuống chân dốc.
Phương án thứ hai là ra tay kéo nhân viên lên đến đỉnh.

Vấn đề đặt ra ở đây là khi nào thì nhà quản lý nên để nhân viên trở lại từ đầu quá trình phấn đấu, khi nào thì “nâng” cho nhân viên đạt mức cao hơn? Nếu qua quá trình theo dõi nhà quản lý biết được sự nỗ lực phấn đấu của nhân viên đã nhiều lần gần chạm đến đích và kết quả lần sau luôn cao hơn lần trước, trong trường hợp này nên chọn phương án thứ hai.
Cần hiểu được tâm lý nhân viên là nếu quá trình phấn đấu kéo quá dài mà không có sự động viên kịp thời của cấp trên, họ sẽ nản lòng, không còn động lực tiếp tục phấn đấu. Tuy nhiên, nhà quản lý cũng cần thông tin kịp thời cho nhân viên đó biết mức độ họ hoàn thành các tiêu chí và nhấn mạnh rằng nếu tiếp tục thể hiện như hiện tại sẽ không được đánh giá cao trong kỳ tới.
Ngược lại, đối với nhân viên lần đầu gần đạt được các tiêu chí đánh giá, nhà quản lý nên sử dụng phương án thứ nhất nhằm tạo thách thức để họ cố gắng đạt kết quả tốt hơn cho kỳ đánh giá kế tiếp.
Sử dụng lựa chọn nào cho phù hợp với từng tình huống cụ thể để đạt được hiệu quả khi đánh giá nhân viên không chỉ thể hiện kỹ năng quản lý mà còn thể hiện nghệ thuật lãnh đạo.

Đối thoại với nhân viên

Nhiều nhà quản lý thường tỏ ra không thích đối thoại trực tiếp với nhân viên vì lý do thiếu thời gian hoặc những lý do khác.
Tuy nhiên, đây lại là việc tối quan trọng, vì thông qua đối thoại trực tiếp, nhà quản lý mới đưa được các thông điệp của tổ chức và cá nhân nhà quản lý tới nhân viên một cách hữu hiệu. Gặp gỡ, trao đổi với nhân viên sẽ giúp nhà quản lý có cách nhìn toàn diện về các mối quan hệ trong doanh nghiệp, từ đó có các quyết định hợp lý nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tạo tính kết dính giữa các cá nhân trong tổ chức.
Lắng nghe ý kiến của nhân viên, để họ cùng tham gia vào công tác quản lý của doanh nghiệp hoàn toàn không làm giảm uy tín của nhà quản lý mà trái lại sẽ làm nhân viên cảm thấy yên tâm, kính phục cấp trên của mình hơn.

Cái tâm của nhà quản lý

Nhà quản lý không cần phải có kiến thức và trình độ xuất sắc vẫn có thể thành công trong công việc, nếu có tâm trong việc đánh giá và sử dụng người.
Trung thực, thẳng thắn, công bằng và quan tâm tới yếu tố con người thể hiện cái tâm của nhà quản lý giỏi. Điều dễ hiểu là về mặt cá nhân, nhà quản lý có thể có thiện cảm với nhân viên này nhiều hơn nhân viên khác, nhưng trong tổ chức nhà quản lý phải tỏ ra không thiên vị và quan tâm tới tất cả các thành viên trong tổ chức của mình.
Việc khen, chê rõ ràng sẽ tạo động lực làm việc hứng thú cho nhân viên, kích thích họ sáng tạo đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Nguồn: Sưu tầm Internet